Nhờ kiểm tra một huyệt đạo ở tai, lương y Phạm Thị Hồng phát hiện một phạm nhân nam bị kết tội hiếp dâm thực ra vẫn còn "trinh".
- Trích dẫn :
- Ngày 22-4-2002, ba thanh niên ở xã Yên Nghĩa, Hà Đông (Hà Nội) là Nguyễn Đình Lợi, Nguyễn Đình Kiên, Nguyễn Đình Tình phải nhận án tổng cộng 41 năm tù vì tội hiếp dâm, cướp tài sản dù các bị cáo đều một mực không nhận tội. Sau gần 10 năm lĩnh án, ba thanh niên này được minh oan bởi một phụ nữ kỳ lạ. Đó là lương y chuyên sâu Phạm Thị Hồng, công tác tại Bệnh viện đa khoa Hà Đông (Hà Nội). Chị phát hiện ba chàng trai này chưa bao giờ có quan hệ tình dục với phụ nữ nhờ một huyệt đạo bí mật. Nói theo dân dã thì họ vẫn còn là trai tân.
Từ một huyệt đạo mang tên Dương Minh
Chị Hồng tự giới thiệu mình là người say mê những pho sách cổ, đặc biệt là các sách về Đông y. Chị thường say sưa nghiên cứu những huyệt đạo, quy luật âm - dương của cơ thể con người. Kiểu giáo trình này không có trong chương trình giảng dạy các trường, khoa Đông y. “Chỉ vì tò mò nên tôi đọc tất cả những cuốn sách cổ về y thuật nếu bắt gặp, thú vị vô cùng”, chị Hồng nói.
Chị kể, vào năm 2006, trại giam Thanh Xuân có đưa đến một phạm nhân nam còn rất trẻ tên là Nguyễn Đình Lợi, nhập viện trong thể trạng suy yếu, gần như liệt nửa người. Sau khi bắt mạch, chị quyết định châm cứu để phục hồi chức năng cho Lợi.
Khổ nỗi cậu ta là phạm nhân nên luôn bị xích ở cổ chân, mà nơi ấy là một huyệt quan trọng để châm cứu. Thấy vậy, chị đề nghị cán bộ trại giam tháo xích để. Vị cán bộ sợ sai nguyên tắc nên từ chối, chị đã phải thuyết phục rằng, phạm nhân này không thể chạy trốn vì anh ta đang bị liệt nửa người… Nói mãi, cán bộ trại giam mới tháo xích và giúp chị bê bệnh nhân lên giường để châm cứu.
Cảm kích trước hành động của vị bác sĩ, phạm nhân Lợi bật khóc tức tưởi. Lợi mếu máo rằng, đã lâu lắm rồi chưa được ai quan tâm và chăm sóc tốt như thế. Chị Hồng cười rồi bảo: "Thanh niên gì mà khóc nhè thế, biết hối hận thì chăm chỉ cải tạo rồi ra thôi". Lần này, Lợi lại càng khóc to hơn, kêu rằng mình bị oan, nhất định muốn chết.
Huyệt Dương Minh nằm dưới dái tai.
Thấy lạ, chị Hồng quay sang hỏi cán bộ trại giam thì biết cậu ta mắc tội tày đình: hiếp dâm, cướp của, lĩnh 16 năm tù. "Cái tội hiếp dâm ai cũng ghét, tôi cũng thế nên thấy ghê tởm", chị Hồng nói. Thế nhưng khi nhìn vào khuôn mặt tái dại, đôi mắt trong sáng của phạm nhân này, bỗng nhiên chị cảm thấy điều gì đó bất thường. Chị bèn hỏi đùa: “Cậu quan hệ với phụ nữ bao nhiêu lần rồi?”. Phạm nhân Lợi giãy nảy rằng chưa.
Chị Hồng bật cười rồi doạ: “Này, chị là lương y, chị biết nhìn trinh tiết đàn ông đàn bà đấy, đừng nói bừa”. Nghe vậy, phạm nhân Lợi vẫn kiên quyết khẳng định, mình là trai tân, chưa hề biết thế nào là phụ nữ, có chết cũng không dám nói bừa!
Quá tò mò, chị quyết định bấm huyệt Dương Minh, nằm ở dưới dái tai Lợi.
Theo giải thích của chị, những người đàn ông chưa bao giờ quan hệ tình dục với phụ nữ thì cái huyệt ấy vẫn chưa đứt. Huyệt này chỉ đứt khi có khí âm hút vào. Với phụ nữ, huyệt xác định trinh tiết có tên là Khuyết Ấm, nằm ở vùng ức, nếu chưa có quan hệ tình dục thì cũng không đứt. Ngày xưa, khi tuyển cung phi cho vua chúa, các lương y thường xem huyệt này để kiểm tra trinh tiết…
Lương y Hồng mô tả, huyệt này như sợi chỉ màu hồng rất đẹp. Nếu đúng ngày nó nổi lên, khi ấy cơ thể con người có một luồng khí rất mạnh, tươi mới tinh khôi, đàn ông sẽ trở nên mạnh mẽ, phụ nữ sẽ trở nên đẹp lạ lùng. Các lương y có nghề sẽ biết cách xem cái huyệt này.
Và chị hoàn toàn bất ngờ khi thấy huyệt Dương Minh của phạm nhân Lợi còn nguyên vẹn: “Nói thật, lúc ấy tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì cậu ta nói thật nhưng lo nhất là sẽ chẳng ai tin chuyện này". Huyệt đạo này người theo học y thuật phương Đông đều biết, nhưng nhiều người không để ý vì nó chẳng mấy tác dụng trong việc chữa bệnh, ngoài chức năng chứng minh sự trinh tiết. Hơn nữa nó lại thuộc y học phương Đông, nếu đem ra làm chứng cứ thì rất khó thuyết phục nguời khác. Nhưng cứ nhìn đôi mắt oan ức của Lợi, trong chị lại dâng lên một quyết tâm lạ lùng: phải minh oan bằng được.
"Dọa" tự thiêu để chứng minh sự thật
Lương y Phạm Thị Hồng đi gặp giáo sư Nguyễn Tài Thu, một trong số ít người quan tâm đến cái huyệt đó. Giáo sư Thu sau khi nghe chị thuật lại sự việc cũng lắc đầu bảo, khó lắm con ạ (ông luôn gọi chị là con) chuyện này không đùa được, liên quan đến luật pháp, mà cái huyệt này chỉ những người rành y thuật phương Đông mới hiểu, khó làm chứng cứ minh oan lắm. Nói vậy nhưng giáo sư cũng rất thương phạm nhân Lợi. Chính ông đã móc ví lấy tất cả số tiền trong đó là 800.000 đồng gửi chị mua thuốc để tiêm cho Lợi, rồi động viên chị hãy bình tĩnh, làm từng bước cho chắc chắn.
Sau nhiều ngày suy nghĩ, chị quyết định tìm đến nhà phạm nhân tìm tài liệu về vụ án, lên Viện kiểm sát xin đọc hồ sơ… Chị hết sức bất ngờ vì đó là một vụ án còn nhiều mâu thuẫn, có nhiều tình tiết cần được làm sáng tỏ, nó cũng củng cố thêm cho niềm tin của chị.
“Tôi đã quyết định đứng tên viết đơn kêu oan, nhưng lẳng lặng làm, ai hỏi thì nói là tìm hiểu cho biết", chị Hồng nói. Chị đã đi tất cả 36 cơ quan, những nơi liên quan đến vụ việc này, viết vài trăm lá đơn, trình bày tất cả những hiểu biết của mình về y học để chứng minh rằng Lợi vô tội. Tất cả những lá đơn gửi đi đều bặt vô âm tín, nếu có trả lời thì cũng khẳng định rằng bản án đã được tuyên đúng người đúng tội, có cả bản tự thú của phạm nhân, cơ quan pháp luật không sai.
Mệt mỏi, chán chường, thỉnh thoảng lại bị ai đó gọi điện hăm doạ, rồi cứ sểnh ra là chị mất xe máy (chị đã mất tới bốn cái xe máy trong quá trình đi kêu oan giúp). Nhiều người thân, bạn bè cũng khuyên can rằng việc khó lắm, lại là người dưng, chẳng quen biết gì, lao đầu vào như thế không may chuốc hoạ vào thân thì khổ.
"Tôi không chịu, tôi vẫn quyết tâm vì tôi có lý do", chị Hồng vừa nói vừa lục ra một lá thư đã cũ, được ép nhựa cẩn thận. Đó là bức thư của ba chị, một chiến sĩ cách mạng hy sinh rất anh dũng, bạn hoạt động cùng thời với cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, người đã giao lại bức thư cho chị hồi còn bé. Trong đó có đoạn: "Con không được phản bội lại chính lương tâm mình với bất kỳ lý do nào. Cuộc sống của con phải lấy nhân nghĩa làm lẽ sống".
Chị Hồng rơm rớm nước mắt kể, đời chị chưa bao giờ biết mặt ba. Lá thư này ba viết cho chị trước lúc địch mang ông ra trường bắn, không lâu sau má chị cũng bị chúng giết chết. Chị được gửi lại cho một gia đình nông dân ở huyện Hoài Đức (Hà Tây cũ). Cha mẹ nuôi của chị cũng tốt vô cùng, họ không bao giờ tiết lộ chị là con nuôi.
Chỉ sau khi chị lớn, ba Sáu Dân (chị Hồng vẫn gọi cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt như vậy) và một số bạn hữu của ba má đẻ chị tìm tới, giao lại lá thư, chị mới biết mình là con nuôi, người gốc Bến Tre. Ba má tập kết ra Bắc thì sinh chị, nhưng vì nhiệm vụ cách mạng, họ phải gửi chị lại để tiếp tục vào Nam chiến đấu. “Từ đó tôi lấy đuợc cái đức của ba má mà sống. Tôi không thể chịu đựng được khi thấy sự oan ức mà không hành động!”, chị Hồng khẳng định.
Thế rồi đến năm 2008, một lần nữa Lợi được đưa ra bệnh viện điều trị. Lần này chị có cơ hội tiếp xúc lâu hơn với bệnh nhân. Chắp nối tất cả các dữ kiện, cùng những chứng cứ thu nhập được, chị quyết định tìm gặp các vị lãnh đạo cao cấp để minh oan. Thế nhưng mọi chuyện vẫn như vậy, họ vẫn giữ quan điểm ban đầu rằng họ không sai.
Quá bức xúc, chị tuyên bố rằng sẽ tự thiêu để chứng minh nhận định của mình. Chị tin rằng, sau cái chết của mình, sẽ có người lật lại toàn bộ hồ sơ sự việc. Chị đã tính đến việc gửi lại hai đứa con của mình cho người thân nếu chị tự thiêu. Với sự lỳ lợm đến khó tin ấy, cuối cùng câu chuyện cũng đến được Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết. Ông đề nghị VKSND tối cao xem xét lại bản báo cáo.
Cuối năm 2009, các cơ quan tố tụng có công văn gửi các cấp lãnh đạo thừa nhận: “Quá trình điều tra và xét xử đã có những thiếu sót, cơ quan điều tra đã thiếu khách quan, không đầy đủ và triệt để, những chứng cứ gỡ tội chưa được xác minh làm rõ". Và kết quả là họ trả tự do cho ba thanh niên đó.
- Trích dẫn :
Khi được hỏi: “Chị định tự thiêu là để làm thật hay doạ nếu họ không nghe?”, chị Hồng khẳng định: “Tôi không dọa, tôi chưa bao giờ đùa trong chuyện này. Ngày mới gặp Lợi, tôi hứa sẽ đi đến cùng để minh oan, và tôi đã làm như thế. Tôi là lương y, cứu người là nhiệm vụ, và chết vì người khác cũng không phải là cái gì đó ghê gớm!”.