Hôm nay đọc báo thấy có bài này hay hay: “[You must be registered and logged in to see this link.]”. Nhưng đọc bài báo kĩ tôi chẳng thấy thông tin nào để có thể nói là làm cơ sở cho nhận xét trên. Nếu chỉ tính vài năm gần đây thì độ tuổi trung bình của giáo sư (và phó giáo sư) không hẳn là trẻ hóa. Có thể trẻ hơn só với 20 năm trước đây, nhưng so với 5 năm gần đây thì không hẳn trẻ hơn. Điều đáng chú ý nữa là năm nay số ứng viên được phong chức danh GS/PGS từ Sài Gòn chỉ chiếm 6%! Lại câu hỏi tại sao. Tôi nghĩ rằng lí do của sự mất cân đối là do các nhà khoa học ở miền Nam thiếu nghiên cứu khoa học và thiếu tài trợ cho nghiên cứu. Thiếu tài trợ dẫn đến ít nghiên cứu và ít công bố quốc tế, ít công bố quốc tế dẫn đến khả năng xin tài trợ bị giảm, và thế là đồng nghiệp miền Nam chạy trong một cái vòng tròn luẩn quẩn.
Bản tin trên có đoạn viết “[…] Độ tuổi của giáo sư từ năm 2009 đến nay lần lượt là 45-46-37-42 và độ tuổi lần lượt ở chức danh phó giáo sư là 31-32-29-31”. Không biết hai chữ “độ tuổi” ở đây đề cập đến số trung bình, trung vị, hay độ tuổi thấp nhất. Nếu là độ tuổi thấp nhất thì cũng không đủ chứng cứ để nói rằng giáo sư ngày càng trẻ hóa được. Có lẽ một cách công bằng hơn và hợp lí hơn là dùng số trung bình hay trung vị. Nhưng bài báo không cung cấp thông tin này!
Tuy nhiên, qua danh sách giáo sư công bố trên mạng, rất dễ dàng tính độ tuổi trung bình của giáo sư và phó giáo sư năm 2012. Dò theo danh sách đó (có sẵn trong excel), tôi tính được như sau (không tính những trường hợp đặc cách):
Tuổi trung bình của giáo sư là 58; người trẻ tuổi nhất là 49, và cao tuổi nhất là 73. Độ lệch chuẩn là 4.66 tuổi.
Tuổi trung bình của phó giáo sư là 49; người trẻ tuổi nhất là 32, và cao tuổi nhất là 69. Độ lệch chuẩn là 7.24 tuổi.
Những con số này phải đặt trong bối cảnh của những năm trước để so sánh. Tôi có số liệu của [You must be registered and logged in to see this link.], và kết quả như sau:
Tuổi trung bình của giáo sư năm 2009 là 57; người trẻ tuổi nhất là 45, và cao tuổi nhất là 69.
Tuổi trung bình của phó giáo sư năm 2009 là 50; người trẻ tuổi nhất là 32, và cao tuổi nhất là 71.
Những dữ liệu trên đây so với năm 2009, độ tuổi trung bình của GS/PGS năm nay có vẻ “già” hơn 1 tuổi. Những dữ liệu này cho thấy nhận xét rằng đội ngũ giáo sư Việt Nam trẻ hóa dường như không đúng với thực tế.
Thật ra, độ tuổi GS/PGS của Việt Nam cũng già hơn so với đồng nghiệp bên Mĩ. Theo số liệu năm 1985 thì tuổi trung bình của GS ở Mĩ là 55. Hiện nay, tuổi trung bình – tính theo số trung vị - của GS ở Mĩ là 55, và phó giáo sư (assistant professor) là 39. Một thống kê ở Úc cho thấy năm 1982, tuổi trung bình của GS là 52, PGS và "reader" là 48, senior lecturer 43, và lecturer 37 [1].
Một dữ liệu đáng chú ý năm nay là sự trống vắng của các ứng viên miền Nam. Theo [You must be registered and logged in to see this link.] thì 81% số GS/PGS được công nhận năm nay là ở Hà Nội; chỉ có 7% số GS/PGS được công nhận năm nay là từ Sài Gòn. Tổng số GS/PGS được công nhận năm nay là 469 (42 GS và 427 PGS). Như vậy, 380 GS/PGS là từ Hà Nội, cao gấp 11 lần so với số GS/PGS từ Sài Gòn (33 người). Một sự mất cân đối rất đáng kể.
Không hiểu tại sao lại có một sự mất cân đối lớn như thế. Những năm trước có sự mất cân đối như thế hay không? Số ứng viên từ Sài Gòn là bao nhiêu, và tỉ lệ thành công có khác biệt giữa Hà Nội và Sài Gòn, hay giữa các vùng. Tỉ lệ thành công có khác biệt giữa các ngành khoa học? Rất nhiều câu hỏi được và cần phải đặt ra để làm nghiên cứu thêm.
Trước đây, tôi có chỉ ra [You must be registered and logged in to see this link.] về số đề tài nghiên cứu được Quĩ Nafosted tài trợ. Trong số 321 đề tài được tài trợ năm 2009, chỉ có 21 (6%) đề tài thuộc các trung tâm ở miền Nam, và 89% là thuộc miền Bắc. Có được đề tài nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước, v.v. là một trong những tiêu chuẩn để được xét phong chức danh GS/PGS. Với sự mất cân đối như vừa đề cập thì có lẽ cũng không ngạc nhiên nếu biết tỉ lệ thành công của các ứng viên miền Nam sẽ thấp hơn so với đồng nghiệp miền Bắc.
Có lần khi đề cập đến tình trạng mất cân đối trên, rất nhiều đồng nghiệp ngoài Bắc nói rằng các nhà khoa học miền Nam … lười biếng. Trong ngành y, họ nói đồng nghiệp miền Nam chỉ lo làm phòng mạch tư kiếm tiền, chứ chẳng có nghiên cứu gì cả, và càng chẳng có công bố quốc tế. Tôi nghĩ nhận xét này chắc cũng có cơ sở. Nhưng khi tôi hỏi các bạn trong Nam nghĩ gì về nhận xét trên của đồng nghiệp ngoài Bắc, họ mỉm cười nói “Đúng là tụi tôi làm phòng mạch tư, nhưng tiền tụi tôi kiếm là đồng tiền sạch.”
Cũng có thể là hiệu ứng "gần mặt trời". Khi được hỏi tại sao không xin tài trợ, các đồng nghiệp miền Nam thường than phiền rằng phần lớn những đề tài cấp Nhà nước hay cấp Bộ đều do các đồng nghiệp ngoài Bắc chủ trì. Cơ hội để đồng nghiệp miền Nam có đề tài cập Nhà nước gần con số 0. Tôi còn được biết có đề tài nghiên cứu mà bộ đòi hỏi phải để cho đồng nghiệp ngoài Bắc làm chủ trì, và đồng nghiệp miền Nam chỉ đóng vai trò “lính đánh bộ” mà thôi. Nếu đúng như thế thì thật là một sự kì thị và vô lí không tưởng tượng được!
Không xin được tài trợ thì không có tiền làm nghiên cứu. Không làm nghiên cứu thì không có bài báo khoa học và công bố quốc tế. Không có bài báo khoa học và công bố quốc tế thì sẽ khó xin tài trợ, và khó có cơ hội được công nhận GS/PGS. Một vòng tròn luẩn quẩn. Nếu không có cách mở cái vòng tròn này thì tôi e rằng tình trạng mất cân đối Bắc – Nam sẽ còn nghiêm trọng hơn nữa, và có nguy cơ tạo ra một sự chia cách ngấm ngầm nhưng nguy hiểm.
Nhưng nói gì thì nói, rõ ràng là số công bố quốc tế ở các đại học phía Nam (ngoại trừ Đại học Quốc gia và Đại học Cần Thơ) nói chung là còn quá kém so với các trường ngoài Bắc. Do đó, giả thuyết tôi đặt ra là sự trống vắng của các nhà khoa học miền Nam trong danh sách GS/PGS là do khác biệt về nghiên cứu khoa học, và khác biệt này do cơ chế xét duyệt và phân bố tài trợ cho nghiên cứu. Có thể thu thập dữ liệu để “phản nghiệm” giả thuyết này.
Tham khảo:
[1] Over R. Career prospects for academics in Australian universities. Higher Education 1985;14: 497-512.
Bài viết của GS. BS. Nguyễn Văn Tuấn - Viện nghiên cứu Y khoa GARVAN (Sydney, Australia). Nguồn: [You must be registered and logged in to see this link.]
Hãy cảm ơn bài viết của huynh_tantai bằng cách bấm vào "" nhé!!!
Tiêuđề
Giáo sư Việt Nam: mất cân đối Bắc - Nam và trẻ hóa?