| I. Triệu chứng lâm sàng:
Biểu hiện lâm sàng bệnh viêm màng não mủ ở trẻ em rất đa dạng và thay đổi tuỳ theo lứa tuổi, thời gian trước khi nhập viện và phản ứng của từng bệnh nhi đối với tình trạng nhiễm trùng.
1. Trẻ lớn:
Ở trẻ lớn triệu chứng lâm sàng thường điển hình với hội chứng nhiễm trùng và hội chứng màng não:
- Hội chứng nhiễm trùng: trẻ thường sốt cao đột ngột, đôi khi kèm lạnh run, đau nhức cơ. Vẻ mặt nhiễm trùng nhiễm độc, môi khô, lưỡi bẩn.
- Hội chứng màng não: trẻ nhức đầu dữ dội, sợ ánh sáng, buồn nôn và nôn vọt, có thể bị táo bón. Khám lâm sàng thấy có dấu hiệu cổ cứng, Kernig, Brudzinskie.
2. Nhủ nhi:
Ở trẻ nhủ nhi, triệu chứng của bệnh viêm màng não mủ thường không điển hình. Nếu không chú ý, bệnh nhi có thể bị chẩn đoán trễ.
- Sốt cao, nôn vọt hoặc ọc sữa, bỏ bú, quấy khóc, li bì.
- Khám thấy thóp phồng, cổ gượng, tăng cảm giác da. Dấu hiệu thóp phồng và cổ gượng không phải thường gặp nhưng rất có giá trị chẩn đoán bệnh viêm màng não mủ.
3. Sơ sinh:
Triệu chứng của viêm màng não mủ ở trẻ sơ sinh thường đa dạng và diễn tiến có thể nhanh chóng trở nên nặng nề. Trẻ có thể được nhập viện với các biểu hiện sau đây:
- Rối loạn tiêu hoá: bỏ bú, ọc sữa, bụng chướng.
- Vàng da, gan lách to, thiếu máu.
- Rối loạn thần kinh: co giật, li bì, lơ mơ, hôn mê, rối loạn trương lực cơ, rối loạn phản xạ nguyên phát. Triệu chứng thóp phồng ít gặp.
- Rối loạn hô hấp: thở nhanh, thở không đều, hoặc có cơn ngưng thở trong những trường hợp nặng.
- Rối loạn tuần hoàn: nhịp tim nhanh, mạch nhẹ, thời gian phục hồi màu da kéo dài trên 3 giây, da nổi bông.
- Sốt: sốt cao, sốt vừa hoặc sốt nhẹ. Có thể hạ thân nhiệt trong những trường hợp nặng.
Trong những trường hợp chẩn đoán muộn hoặc điều trị không đáp ứng, hoặc vi trùng độc lực cao, bệnh có thể diễn tiến đến tổn thương não (co giật, rối loạn tri giác, dấu thần kinh khu trú, phù gai thị…), rối loạn huyết động học (sốc nhiễm trùng), tổn thương đa cơ quan.
II. Điều trị:
1. Nguyên tắc điều trị kháng sinh trong viêm màng não mủ:
- Sử dụng kháng sinh sớm.
- Thuốc thích hợp với sự nhạy cảm của vi trùng gây bệnh.
- Chọn kháng sinh loại diệt khuẩn.
- Thuốc phải đạt đến nồng độ diệt trùng cần thiết trong dịch não tuỷ: dùng liều cao, đường tĩnh mạch, không giảm liều trong suốt thời gian điều trị.
2. Chọn kháng sinh ban đầu:
Cần phải điều trị ngay khi chẩn đoán bệnh viêm màng não mủ. Chọn lựa kháng sinh ban đầu cần dựa vào:
- Kết quả nhuộm gram và/hoặc kháng nguyên hoà tan:
+ Neisseria meningitidis: song cầu gram âm.
+ Streptococcus pneumoniae: song cầu gram dương.
+ Haemophilus influenzae: cầu trực trùng gram âm.
+ Stapylococcus aureus: cầu trùng gram dương đứng thành từng khúm.
- Nếu không có xét nghiệm nhuộm gram và kháng nguyên hoà tan hoặc xét nghiệm âm tính, chọn lựa kháng sinh ban đầu có thể dựa vào các biểu hiện lâm sàng gợi ý tác nhân gây bệnh, cơ địa bệnh nhi và lứa tuổi.
- Chọn kháng sinh ban đầu theo tác nhân gây bệnh:
+ Haemophilus influenzae: cephalosporine thế hệ III (cefotaxim hoặc ceftriaxone)
+ Neisseria meningitidis: penicilline hoặc cephalosporine thế hệ III
+ Streptococcus pneumoniae: cephalosporine thế hệ III
+ Listeria monocytogenes: ampicillin hoặc amoxcilline hoặc penicilline.
+ Stapylococcus aureus: oxacilline hoặc vancomycine, có thể kết hợp Gentamycine.
- Chọn kháng sinh ban đầu theo lứa tuổi:
+ Sơ sinh đến 3 tháng tuổi: kết hợp 3 loại kháng sinh: cefotaxim (hoặc ceftriaxon) + ampicilline (hoặc amoxicilline) và gentamycine (hoặc netromycine). Nếu kết quả cấy dịch não tuỷ tìm thấy Listeria monocytogenes thì ngưng cefotaxim, nếu là vi trùng khác thì ngưng ampicilline.
+ 3 tháng đến 6 tuổi: cefotaxim (hoặc ceftriaxon) đơn thuần hoặc kết hợp với gentamycine (hoặc netromycine) nếu bệnh cảnh gợi ý nhiễm trùng huyết.
+ 6 đến 15 tuổi: cefotaxim (hoặc ceftriaxon).
- Liều lượng kháng sinh dùng trong điều trị:
+ Ampicilline: 200 mg/kg/ngày, chích TM, chia 4 lần.
+ Amoxicilline: 200 mg/kg/ngày, chích TM, chia 4 lần.
+ Cefotaxim: 200 mg/kg/ngày, chích TM, chia 4 lần.
+ Ceftriaxone: 100 mg/kg/ngày, chích TM, chia 2 lần.
+ Oxacilline: 200 mg/kg/ngày, chích TM, chia 4 lần.
+ Vancomycine: 60 mg/kg/ngày, chia 4 lần, pha trong dung dịch glucose 5% hoặc NaCl 0,9% truyền tĩnh mạch chậm trong 1 giờ.
+ Gentamycine: 5 – 7 mg/kg/ngày, chia 3 lần, pha trong dung dịch glucose 5% hoặc NaCl 0,9% truyền tĩnh mạch trong 30 phút.
+ Netromycine: 6,5 mg/kg/ngày, chia 3 lần, pha trong dung dịch glucose 5% hoặc NaCl 0,9% truyền tĩnh mạch chậm trong 1 giờ.
- Điều trị triệu chứng và nâng đỡ:
+ Đảm bảo thông đường thở, cung cấp đủ oxygen, nhất là khi có rối loạn tri giác. Trong trường hợp thở không hiệu quả, phải giúp thở với chế độ phù hợp.
+ Bù hoàn thể tích máu lưu thông nếu có sốc hoặc có dấu hiệu thiếu nước trên lâm sàng.
+ Chống co giật: với diazepam chích TM trong trường hợp co giật có tím tái và phenobarbital truyền tĩnh mạch để phòng ngừa cơn co giật tái phát trên những bệnh nhi co giật liên tục hoặc co giật khó cắt cơn.
+ Điều trị và phòng ngừa hạ đường huyết.
+ Hạ sốt.
+ Phòng ngừa và điều chỉnh rối loạn nước – điện giải, đặc biệt là hạ natri máu.
+ Dinh dưỡng: nếu có rối loạn tri giác và không có dấu hiệu thiếu nước, hạn chế lượng dịch nhập (cung cấp khoảng 2/3 nhu cầu căn bản) trong 24 giờ đầu. Sau đó, điều chỉnh theo lâm sàng và ion đồ máu. Nếu bệnh nhi không thể ăn uống được, nên nuôi ăn qua ống thông dạ dày, nếu không có chống chỉ định.
Nguồn: Ycantho.com
| |