Đây là một loại bệnh thần kinh mạn tính, thường kết hợp với các rối loạn tâm thần. Khoảng 45% bệnh nhân Parkinson bị trầm cảm và 30-60% bị sa sút tinh thần. Bệnh Parkinson xuất hiện do các tế bào não kiểm soát vận động cơ bắp bị thoái hóa dần. Những tế bào này sản sinh dopamin - một chất có vai trò quan trọng trong việc truyền tín hiệu giữa các tế bào. Khi chúng thoái hóa, lượng dopamin sẽ giảm dần trong cơ thể người bệnh, dẫn đến các triệu chứng Parkinson (đi đứng khó khăn, cử động chậm, tay chân cứng và run, cơ mặt bị liệt). Nguyên nhân của hiện tượng này vẫn chưa được khẳng định. Có giả thuyết cho rằng đó là sự rối loạn về gene. Bác sĩ Lê Quốc Nam, Trung tâm Sức khỏe tâm thần TP HCM, cho biết, bệnh Parkinson thường xuất hiện ở những người hơn 60 tuổi (có một số trường hợp trẻ hơn, khoảng trên 40 tuổi). Đây là một bệnh tương đối phổ biến với tỷ lệ mắc là 90-100/100.000 dân và tỷ lệ mới mắc là 20/100.000 dân/năm. Bản thân việc chẩn đoán bệnh và thái độ của những người xung quanh (người thân, bạn bè) cũng gây một số thay đổi xấu về tâm lý ở bệnh nhân. Vì bệnh nhân thường rất mệt mỏi hoặc có thể bị trầm uất nên sự động viên tình cảm của người thân và tổ chức tập thể là rất cần thiết. Hằng ngày, bệnh nhân cần tập thể dục và giữ sự khỏe khoắn; thực hiện các liệu pháp vận động nhẹ, bơi lội, đi bộ. Không nên nghỉ ngơi quá nhiều mà phải điều chỉnh hoạt động tùy theo tình trạng sức khỏe. Bệnh Parkinson không phải là vô phương cứu chữa Có thể điều trị Parkinson bằng những phương pháp sau: * Dùng thuốc: Giáo sư Nguyễn Văn Đăng, Hội đồng Bảo vệ sức khỏe Trung ương, cho biết, đây là phương pháp điều trị Parkinson duy nhất ở Việt Nam hiện nay. Việc dùng thuốc dù đều đặn và đúng chỉ định của bác sĩ cũng chỉ có hiệu quả trong khoảng 10 năm. Sau vài năm, hiệu quả của thuốc sẽ kém đi và những triệu chứng trở nên khó kiểm soát. Mặt khác, thuốc cũng có thể gây một số phản ứng phụ... Ở Việt Nam hiện chỉ có những loại thuốc thông thường, không đủ các thuốc đặc hiệu. * Phẫu thuật: Các bác sĩ cắt bỏ một trung khu của não có dính líu đến bệnh lý Parkinson, làm giảm bớt cử động bất thường của bệnh nhân. Phương pháp này ít được sử dụng vì có thể gây biến chứng rối loạn chức năng khác. * Kích thích điện não bộ: Các bác sĩ sẽ phẫu thuật để đặt vào vùng mắc bệnh trong não bệnh nhân 1 hoặc 2 điện cực; đồng thời đặt dưới da lồng ngực 1 máy phát xung điện và 1 máy điện toán cực nhỏ (tất cả nặng 50 g). Hai hệ thống này nối với nhau bằng 2 dây dẫn nằm dưới da đầu, cổ và vai. Khi một dòng điện tần số cao được phóng ra, não bộ sẽ hoạt động lại bình thường mà không cần dopamin. Các thiết bị nói trên chạy bằng pin, 3 năm phải thay một lần. Chúng có khả năng ức chế các xung bất thường của dòng điện não. Khi máy vận hành, người bệnh linh hoạt trở lại; sự rối loạn vận động, run rẩy và cứng ngắc tứ chi hầu như hoàn toàn biến mất. Các thống kê cho thấy, 70% bệnh nhân được áp dụng kỹ thuật này đã trở lại sinh hoạt bình thường; 30% thấy bệnh giảm bớt. * Ghép tế bào thai nhi: Các phẫu thuật viên sẽ lấy tế bào của thai nhi ghép vào não bệnh nhân để chúng sản xuất ra dopamin. Đây là loại kỹ thuật cao nhất trong điều trị Parkinson. Kỹ thuật này cực kỳ phức tạp và chi phí rất cao nên ngay cả các nước tiên tiến cũng hạn chế sử dụng nó.
Hãy cảm ơn bài viết của CEO HOAICHINH bằng cách bấm vào "" nhé!!!