Tản mạn từ Tokyo
Tôi vẫn nhớ hoài lần điện thoại của cô Atsuko Kato ( Điều phối viên cao cấp của Hội đồng huấn luyện y khoa Nhật bản tại Bệnh viện Toranomon –Tokyo) cũng như lá thư của ông Tadao Tsukiyama (Tổng thư ký Hội đồng) để thông báo cho tôi về việc cấp học bổng tu nghiệp y khoa hai tháng tại BV Toranomon –Tokyo. Tôi thật sự vui mừng vì đây là dịp cho tôi học hỏi không chỉ về lãnh vực chuyên môn y khoa mà còn là dịp hiểu biết thêm về nền văn hóa Nhật bản vốn đã nổi tiềng từ lâu trên thế giới mà tôi chưa có dịp đến thăm và học hỏi.
Cùng đến Tokyo vào một buổi sáng sớm trên các chuyến bay khác nhau của hãng hàng không Nhật bản JAL, nhóm thực tập sinh chúng tôi gồm có 6 bác sĩ đến từ Jakarta (Indonesia), Bangkok (Thái lan), Hà nội, TP HCM (Việt Nam). Ngay từ phi trường Narita, chúng tôi đã được cô Kato tiếp đón ân cần và đưa về khách sạn Mizonokuchi Pearl, một khách sạn nhỏ nhưng tiện nghi, ấm cúng và xinh xắn, tiện đường di chuyển đến bệnh viện. Sau đó là những hướng dẫn chu đáo để chúng tôi làm quen với xung quanh và học cách “tồn tại” vì chúng tôi chỉ sử dụng tiếng Anh, không ai biết tiếng Nhật.
Ngày đầu tiên ở BV Toranomon, chúng tôi gặp gỡ ông Tsukiyama (Tổng thư ký), ông Ito (Trưởng bộ phận điều hành BV) rồi đi thăm một vòng khắp BV. Tôi thật sự ấn tượng về khu lưu trữ hồ sơ bệnh án với hệ thống robot và hệ thống vận chuyển tự động các hồ sơ đi khắp BV thật tiện lợi và nhanh chóng. Ngày hôm sau, tôi được gặp Bs Watanabe (Trưởng khoa Ngoại Gan Mật Tụy), Bs Udagawa (Trưởng khoa Ngoại Tiêu hóa trên) và nhiều bác sĩ khác trong khoa ngay tại phòng mổ. Sau vài lời chào hỏi ngắn, bs Udagawa dẫn tôi đi thăm khắp phòng mổ, giới thiệu với mọi người rồi giải thích về ca mổ ngày hôm đó, và không quên chỉ cho tôi cách giữ ấm và thư giãn trong phòng mổ. Ở đây, hội chẩn duyệt mổ vào sáng sớm thứ hai và thứ năm. Các bác sĩ thường trú trình bày bệnh án bằng tiếng Anh khá rành mạch (chuyện này mãi về sau tôi mới biết là để cho các thực tập sinh nước ngoài như chúng tôi có thể theo dõi được). Chúng tôi tham gia nhiều họat động khác trong khoa: siêu âm, nội soi tiêu hóa, siêu âm qua nội soi, đi buồng thăm bệnh, đi xem mổ… Mọi người rất thân thiện, dễ mến, luôn trả lời những câu hỏi của chúng tôi mặc dù đôi khi chúng tôi gặp khó khăn về ngôn ngữ. Nhưng cũng chẳng sao cả! Chúng tôi vẫn hiểu được vấn đề tường tận. Nhờ vậy, tôi có thể học hỏi về vấn đề cắt thực quản với nạo hạch Akiyama nổi tiếng khắp thế giới, kỹ thuật nạo hạch D2, a , b cắt niêm mạc trong ung thư dạ dày cũng như các kỹ thuật siêu âm trong mổ, cầm máu bằng năng lượng vi sóng trong phẫu thuật gan mật tụy…Còn nhiều phương tiện hiện đại mà hiện ở Việt Nam chưa có, chúng tôi học hỏi để bổ túc kiến thức và mơ ước đến một ngày có được những trang bị đó để điều trị tốt hơn cho bệnh nhân. Các bạn đồng nghiệp Nhật bản cũng hiểu điều đó và chỉ dẫn cho chúng tôi hết sức chu đáo. Có thể nói, không một câu hỏi nào của chúng tôi mà không có câu trả lời thấu đáo, nếu không được hôm nay thì hôm sau, nếu người đó không trả lời được thì sẽ có người lớn hơn và nếu cần là các bác sĩ trưởng khoa.
Ở phòng mổ, trong tiếng nhạc cổ điển hay nhạc nhẹ, tiếng cười khúc khích nhỏ khi cả dụng cụ vòng trong và vòng ngoài cùng đếm kiểm gạc “một, hai, ba, bốn, …”, thoạt trông có vẻ buồn cười nhưng theo quy định chặt chẽ của phòng mổ. Ngay từ lớp cửa ra vào đầu tiên của phòng mổ, những quy định để duy trì nguyên tắc vô trùng dù rất đơn giản cũng được thực hiện rất nghiêm túc, không hề cẩu thả, coi thường.
Buổi thăm bệnh đầu tiên ở bệnh phòng thật là ấn tượng khó quên đối với tôi. Cả hai trưởng khoa ngoại tiêu hóa trên và gan mật tụy cùng ngồi trước nhiều máy vi tính nối mạng toàn bệnh viện để xem lại những kết quả xét nghiệm, hình ảnh học lưu trữ trên mạng và nghe các bác sĩ trong khoa báo cáo tình hình bệnh nhân. Gặp bệnh nhân, hai bác sĩ trưởng khoa, dẫn theo nhiều bác sĩ khác, cúi chào thật trịnh trọng nhưng nói chuyện rất thân tình với họ. Ngạc nhiên và thắc mắc của tôi được thỏa mãn khi chúng tôi tham dự những lần tiếp bệnh nhân và thân nhân của họ với bác sĩ Udagawa để trao đổi về cách điều trị. Họ được giải thích theo từ ngữ thông thường, không quá chuyên môn y học nhưng đủ hiểu cặn kẽ về bệnh, về cách mổ, về những biến chứng, về cả những thành công lẫn thất bại của quá trình điều trị. Nhiều bệnh nhân và người nhà tỏ ra có nhiều kiến thức về căn bệnh họ đang mang và bs Udagawa vui vẻ trả lời mọi vấn đề trong hơn cả giờ tiếp xúc. Từ phẫu thuật lớn, khó và nhiều biến chứng như phẫu thuật cắt thực quản nạo hạch của giáo sư Akiyama đến phẫu thuật cắt túi mật qua nội soi đơn giản hơn, lúc nào bệnh nhân cũng gặp gỡ, trao đổi với bác sĩ vài ba lần trước khi mổ. Dĩ nhiên, so với ở nhà, luôn quá tải với bệnh nhân, nhưng như lời của bác sĩ Udagawa, việc tiếp xúc, trao đổi với bệnh nhân và thân nhân của họ là điều hết sức cần thiết, không chỉ giúp cho bệnh nhân mà còn giúp cho phẫu thuật viên yên tâm, thoải mái, tự tin trước cuộc mổ và trong quá trình điều trị. Bài học này từ thời Hippocrate, đã được biết từ những năm đầu của sinh viên y khoa nhưng bây giờ nhắc lại sao thấy thật thấm hơn. Mỗi khi kết thúc cuộc mổ, đích thân phẫu thuật viên mang khay đựng tiêu bản để gặp người nhà bệnh nhân đang chờ ở phòng khách nhà mổ rồi sau đó mới phẫu tích để gửi làm giải phẫu bệnh.
Mỗi lần đi thăm bệnh buổi tối, tôi luôn gặp những hình ảnh dễ thương của các cô điều dưỡng trẻ, nhanh nhẹn, luôn tươi cười chăm sóc bệnh nhân từ chải đầu, thay áo đến cho uống thuốc …, hay hình ảnh của các điều dưỡng lớn hơn chỉ dẫn kỹ lưỡng cho đồng nghiệp trẻ. Tôi cũng có dịp sang Pháp và Úc để tu nghiệp, cũng đã từng biết cách chăm sóc bệnh nhân chu đáo, tận tình ở đó nhưng lần này, tôi thật sự ngạc nhiên trước những cảm xúc của mình khi học ở đây - bệnh viện Toranomon nổi tiếng thế giới. Tôi đã trả lời với Bs Udagawa – người hướng dẫn thực tập cho tôi – và các bạn đồng nghiệp Nhật bản rằng tôi đã học được nhiều điều từ các bạn về chuyên môn nhưng hơn hết, phong cách làm việc của các bạn đã thật sự làm tôi mến mộ. Có lẽ nhờ vậy mà họ đã có được những thành công nổi tiếng trong điều trị ung thư thực quản và dạ dày cũng trong như nhiều lĩnh vực khác.
Khóa học hơn hai tháng trôi qua thật nhanh mặc dù tôi được ở lại thêm hai tuần nữa để dự hội nghị của Hội Ngoại khoa Nhật bản tổ chức tại Hiroshima , ngay tại khu bảo tàng và công viên kỷ niệm bom nguyên tử. Một lần nữa, hình ảnh hoang tàn, chết chóc, bình địa của Hiroshima vào ngày 6 tháng 8 năm 1945 và hình ảnh thành phố Hiroshima hiện đại, thanh bình, ngày nay khiến tôi không khỏi suy nghĩ, so sánh về các phòng hội nghị đầy ắp các bác sĩ từ trẻ đến bạc đầu, im lặng, chăm chú theo dõi các báo cáo với những hội trường hội nghị vắng ngắt ở nhà. Quả là một chuyến đi học nhiều ấn tượng và kỷ niệm.
Tạm biệt Tokyo , Hiroshima … Tạm biệt những người bạn tốt bụng, chân thành của xứ sở hoa anh đào. Cảm ơn các bạn và mong có ngày gặp lại.
nguồn: bệnh viện chợ rẫy
khác với những gì mình gặp khi đi bv quá...oiiiiiiiiiiiiiiii